Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]






Tác giả



Lê Mộng Nguyên

Paris (France)




Tác giả
LÊ MỘNG NGUYÊN



tâm tình với quí đồng hương
về Những Nhà Văn Hải Ngoại
và Trăng Mờ Bên Suối

Lê Mộng Nguyên



…TRONG CHIỀU SHVHNT «Trăng Mờ Bên Suối - Lê Mộng Nguyên & Những Tình Khúc Xa Xưa & Thơ Mùa Xưa Vỗ Cánh của nhà thơ Đỗ Bình» ngày 19 tháng 04-2008 tại Hội trường Khách sạn Best Western 6633 Arlington Blvd, Falls Church VA 22042 (USA) từ 12 g 30 đến 16 giờ, trước một cử tọa quan khách đông đảo hơn 300 người (« sự hiện diện của quí vị là niềm vinh dự và khích lệ đối với BTC » -Thiệp Mời):

Cảm ơn gia đình mạnh thường quân : ông bà Hoài Thanh nguyên Chủ nhiệm tuần báo « Đại Chúng » & Cụ bà nhạc mẫu Phan Tu Anh, cảm ơn nhà báo Chu Kim Oanh (Chủ nhiệm-Chủ bút AZ Rạng Đông) & Phu quân Đoàn Phú Lạc, cảm ơn nhà văn Sơn Tùng (Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại), cảm ơn nhà thơ Lãm Thúy (Tân Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Miền Đông Bắc Hoa Kỳ), cảm ơn ông Đỗ Hồng Anh (Tổng Thư Ký của Cộng Đồng Thủ Đô Washington D.C., MD và VA), cảm ơn nhà văn - ký giả Phong Thu rường cột của BTC, cảm ơn sự cộng tác và chỉ dẫn của rất nhiều thân hữu văn nghệ sĩ : nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung (Chủ nhiệm tạp chí « Cỏ Thơm »), nhà văn luật gia Lưu Nguyễn Đạt & Phu nhân nhạc sĩ dương cầm Phùng Thị Hạnh, nhà danh họa quốc tế Vũ Hối, nhà thơ Đăng Nguyên, nhà thơ Phan Khâm v. v. cùng giới báo chí và truyền thanh truyền hình vùng Hoa Thịnh Đốn…



Kính thưa quí vị,

Các bạn thân mến,

Thù trả chưa xong đầu đã bạc :

Ta mất nước như người mất quá khứ
Tháng Tư Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Lăm
Ngày Ba mươi như cuộc thế thăng trằm
Muôn đời hận như dân Chàm đã chết…

Tương tự nhà đại thi hào Victor Hugo bị phóng trục ra khỏi nước Pháp bởi sắc lệnh của bạo quyền Louis Napoléon Bonaparte (cháu của Napoléon I ) là người đã lật đỗ chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa ngày 02 th.12-1851 với mục đích tái lập Đế Chính Thứ Hai (Second Empire) và noi theo gương mẫu của tác giả tiểu thuyết « Les Misérables » (Những Kẻ Khốn Cùng) đã từ chối đại ân xá của Nã Phá Luân Đệ Tam, tôi thề nguyện không chấp nhận chính sách « Hòa hợp hòa giải » của Hà Nội và tiếp tục sống một cuộc đời tha phương cầu thực : Trung thành với giao ước mà tôi đã ký kết với lương tâm, tôi sẻ chia xẻ đến tận cùng cái kiếp lưu vong của tự do. Ngày nào tự do được hồi phục, ngày ấy tôi sẽ trở lại cố hương.

… Cũng như phần lớn các bạn văn, thi, nhạc sĩ sau tháng tư đen phải bỏ nhà, đất nước ra đi hải ngoại, hoặc ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, hoặc với nhiều chậm trễ sau khi học tập cải tạo nghĩa là ở trong lao tù cộng sản, đã kiếm đủ cách để thoát khỏi gông cùm của một chế độ khinh miệt nhân quyền… Đó là thân phận của Hà Kỳ Lam trong « Vùng Đá Ngầm » khi ông kể lại (qua một nhân vật của truyện ngắn cùng tên) : Cái kỷ niệm hãi hùng của những ngày vượt biển có lẽ mãi mãi là một phần tâm thức của những người « cùng hội cùng thuyền » năm ấy… Trong « Nỗi Buồn Thế Kỷ » : Một thanh niên vừa mới 30 tuổi năm 1992 thì « bị một chứng bệnh không truyền nhiễm nhưng ngặt nghèo mà y khoa thời bấy giờ đành bó tay », được cha mẹ giàu có cho ướp xác ngưng sống cho đến ngày thức dậy năm 2085 : « … Hồ đi miên man giữa phố phường mà như đi trong sa mạc. Chàng chẳng thấy người, chẳng thấy nhà cửa. Với nỗi hoang vắng trong lòng, chàng đi như một cái bóng không hồn… ». Tôi đọc xong mà trong người vẫn còn bàng hoàng như Từ Thức ngày xưa vừa giã biệt nơi tiên cảnh để trở lại chốn trần ai…

Đi sâu vào « Chuyện Ngày Qua » của Nguyễn Ngọc Diệp, tôi nghĩ đến Nguyễn Tuân, một nhà văn lừng danh (« Vang Bóng Một Thời ») đã đứng ra một phái riêng biệt về loại bút ký trong giai đoạn giữa hai thế giới chiến tranh. Từ đất khách quê người, sau khi xem một cuốn phim trình bày công cọng ngày 13 th.03-1997 tại Bỉ quốc, Nguyễn Ngọc Diệp thổ lộ tâm tình : Những âm thanh, sắc màu và kỷ niệm ngày cũ trên quê hương đang sống lại rõ rệt, một cảm giác êm đềm nhưng mơ hồ đang lan dần trong tôi. Càng lúc xúc cảm càng mạnh hơn. Chợt tôi nhớ lại mình đang ở đây, xa quê hương ngàn vạn dặm. Tôi cảm thấy một nỗi nhớ thương lạ lùng, mãnh liệt tràn ngập và bỗng chốc oà vỡ trong tôi. Một thoáng chơi vơi, tôi rưng rưng. Tôi cúi mặt xuống, môi bậm chặt lại và nín thở cho… qua cơn xúc động… » (Bút ký… Nhỏ).

Nỗi buồn xa xứ, nhà thơ nữ Khánh Hà ở miền Bắc Âu giá băng, cứ mỗi năm mùa Xuân đến lại nhớ 1975 với những hình ảnh loạn lạc kinh hoàng của miền nam bị xâm chiếm : Tháng tư vết thương còn đau / Tóc tang phủ xuống buổi chiều nào / Thành phố ta trong giờ dẫy chết / Quê hương ta tan tác nghẹn ngào (Điệp Khúc Tháng Tư). Khánh hà mặc dầu nhớ quê hương một cách nồng cháy, vẫn không chịu theo một số người đã quên Quốc Hận, để trở về Việt Nam sau kế hoạch phỉnh phờ « cởi mở kinh tế » của nhà cầm quyền kể từ năm 1986-1987 : Người chẳng đợi về trong vinh quang / Mà về như những kẻ qui hàng / Giặc thù còn đó trên quê mẹ / Ta thà sống trọn kiếp lang thang (Về Được Sao). Tương tự nhà thơ Đỗ Bình (tác giả thi tập « Bóng Quê »), là một người con có hiếu với gia đình, nhưng cùng một lúc lại rất trung thành với tổ quốc : ông đã từng chiến đấu với tư cách sĩ quan QLVN và đã bị tù cải tạo như hầu hết những cựu chiến binh Cộng Hòa. Bó buộc lìa nhà ra đi vì trạng huống, nay có thể trở về thăm mẹ, song không muốn vì nước vẫn còn mất, dân ta vẫn còn nô lệ, Mẹ ở đây là mẹ hiền sinh thành mà cũng là « Mẹ Tổ Quốc » :

Viễn xứ mây chiều vương dáng mẹ
Mắt buồn u ẩn mấy hàng tre
Tuyết rơi tê tái hồn vong quốc
Mẹ xá cho con tội muộn về (Mẹ, tr. Bìa)

Đỗ Bình là một nhà thơ biểu hiện (poète expressionniste), như Van Gogh về mặt hội họa là người tiên khu. Biểu hiện là một hình thức nghệ thuật hội họa, văn thơ hoặc âm nhạc, mà giá trị của miêu tả nằm toàn trong sự biểu lộ tâm tình tận cùng, như một đam mê không bờ bến… Thơ Đỗ Bình ngoài mặt diễn tả cực điểm nỗi lòng mình, còn chứa nhiều hình tượng, nghĩa là chất họa trong thơ, cho nên ta có thể nói rằng tác giả « Mùa Xưa Vỗ Cánh » không những là một thi sĩ biểu hiện mà còn là một nhà thi họa ấn tượng (poète – peintre impressionniste) : Với những nét chấm phá tạo cho ngôn ngữ thơ những hình tượng đượm màu sắc tình yêu man mác, đậm đà, miên man, ông làm người đọc bâng khuâng, nhẹ nhàng rung cảm…

Đối với Hà Nguyên Du « hay là óc não và xương thịt của một thi nhân », tác giả tập thơ « Lối Khác », không bao giờ quên được nỗi thống khổ của dân mình cùng những người thân yêu lúc ông còn là tù nhân của quân thù xâm chiếm : Ơi quê nhà rách tủa áo, trơ thây / Em ngọc quí chợt nhiên là sỏi cuội / Mẹ vẫn thân cò mệt nhoài, hai buổi ! Ta gông cùm, tàn úa hết hoa niên ! Giống hệt rất nhiều đồng bào chúng ta đã phải bỏ nhà, xa nước, kéo lê cuộc « sống nhờ đất khách, thác chôn quê người », không một ngày nào thi nhân lại không hướng mắt về cố đô, thành phố hồi xưa biểu hiệu dân chủ tự do, hạnh phúc của mỗi một con người :

Sài Gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
Ngày về xa không, ngày về có gần
Nước mắt em sa, nụ cười anh lịm
Dấu chấm than như cột cờ không chân

… Sài Gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
Người về bao lâu, đời mẹ có còn
Tóc rối em ơi, bạc đầu anh rụng
Dấu chấm than như lệ hờn anh rơi…

Nhà thơ Pháp Alfred de Musset (thế kỷ thứ 19, 1810-1857) đã thốt ra những lời vĩnh cửu : “Les plus désespérés sont les chants les plus beaux. Et j’en sais d’immortels qui sont de purs sanglots : Những lời tuyệt vọng nhất phải chăng là những lời ca tuyệt tác ? Tôi biết có nhiều vần thơ bất hủ mà chỉ là những tiếng khóc nức nở của linh hồn. Đối với Hoàng Xuyên Anh, tác giả « Nỗi Lòng Cô Phụ » : Nỗi buồn u uất thành thơ / Nỗi đau xoáy óc kén tơ nhả sầu… Người thiếu phụ sau khi mất con và nhan sắc trong tai nạn 1985, nay lại mất chồng ba năm sau (1988), nhớ lại ngày đám tang thật là lâm li, thiểu não… Khung trời lất phất mưa bay / Anh đi có nhớ chuỗi ngày bên nhau ? Mưa ngâu tê tái lòng đau / Tim em nức nở nghẹn ngào nhớ anh !

Trong « Giọt Sữa Đất » của Phương Triều « hay là tinh lực quê nhà trong nguồn cảm hứng của thi nhân » : Con chạy vì chân không thể đứng / Chỗ ngồi chông bẫy chéo đan nhau ! Bỗng dưng thành kiếp vô thừa nhận / Cha ngục tù xương gởi chốn nào và « Giữa Dòng » của Lê Nguyễn, nhà thơ nhân trí trong một thời đại đảo điên… : Việt Nam ơi ! Tên Mẹ cao thiêng / Tuổi ngót năm nghìn mãi hằng xinh đẹp / Mẹ dìu tôi qua từng đoạn trần đời / Từ bước chập chừng - giờ quá sáu mươi !

… Cũng như bài ca Trăng Mờ Bên Suối là một đứa con hiếu thảo mà tác giả xin dâng hiến Mẹ Việt Nam…

Trong phiên họp ngày thứ sáu 02/03/2008 tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp (15 đường La Pérouse, Quận 16-Paris), và sau khi nhà văn ký giả Eric Roussel, trình bày thông điệp về « Mendès-France và thực dân thoái lui » (Mendès-France et la décolonisation ), Viện Sĩ Lê Mộng Nguyên đứng dậy xin nói tiếp đôi lời với mục đích chứng minh mối liên lạc giữa khúc ca tiền chiến bất hủ và hậu quả của hiệp định ký tại Genève năm 1954, qua hứng cảm của tác giả lúc bấy giờ là một nhạc sĩ rất trẻ tuổi nhưng đã linh đoán được tương lai…

Cảm ơn ông Chủ tịch đã cho tôi tham dự bàn luận. Tôi tự hỏi mình có nên hay không biết ơn Thủ tướng Mendès-France muốn chấm dứt chiến tranh và mở cuộc thoái lui của thực dân Pháp ở Việt Nam, bằng cách ký kết hiệp định Genève ngày 20 tháng 07 năm 1954, chia đôi nước Việt : miền Bắc Cộng sản và miền Nam Quốc gia, với biên thùy là sông Bến Hải, nằm ngang vĩ tuyến thứ 17. Nói cho đúng, tôi phải cảm ơn vị Thủ tướng Đệ Tứ Cộng Hòa Pháp – nhưng đó chẳng qua là một vấn đề cá nhân (tôi sinh trưởng ở Huế) – đã dùng tận sức trong cuộc thương nghị để cựu kinh thành Đế quốc An Nam sau này được thuộc lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hòa Tự Do. Song hiệu quả của Điều Ước này thật quá tai họa, thảm thương, ngay cho những kẻ sinh sống ở Bắc bộ từ xưa nay : 700 000 đồng bào Công giáo đã phải từ giã nơi chôn nhau cắt rốn để tái hợp đất tự do. Kế đó, chiến tranh cốt nhục tương tàn trở lại bắt đầu ráo riết (hai ba năm sau) giữa Cộng sản và Quốc gia. Mặc dầu thỏa hiệp ký kết tại Paris trong tháng giêng 1973, chiến xa Hồng quân từ Bắc xuống Nam đánh Sài Gòn, bắt buộc chính phủ miền Nam phải đầu hàng không điều kiện ngày 30 tháng tư 1975. Đó là một sự thôn tính rất thiệt hại cho nước Cộng Hòa Tự Do miền Nam, sự thống nhất toàn lãnh thổ được tuyên bố ngay đầu tháng 07-1976 dưới tên « Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ». Tiếp theo, một Hiến Pháp rất bạo tàn vì đi ngược lại quyền lợi nhân dân và dân chủ tự do, bằng cách đề cao hai nguyên tắc chính phủ : độc tài vô sản và độc đảng nắm chính quyền, được ban hành ngày 18 tháng 12 năm 1980.

Một số đồng bào đã trốn chạy ra khỏi kinh đô thất thủ sau tháng tư đen, vượt biên mặc dầu nguy hiểm và đã mất mạng thực sự trên biển cả với tư cách thuyền nhân…Một phần khác đã thành công sau khi giả từ quê cha đất tổ, nay sống kiếp lưu vong, mất gốc rễ trên đất người nhờ các Quốc gia tạm dung. Phần lớn đồng bào chúng ta bị kẹt ở lại, bởi vì chống CS, đã bị tù đày, chen lấn trong xà lim, đói rét và bệnh hoạn, không thể sống sót, vì thiếu ăn và săn sóc sức khỏe… Những biến cố này mà dân tộc chúng ta phải chịu đựng không than khóc, hiệu quả xa hay gần của hiệp định Genève, được tiên đoán trong một bài nhạc mà tác giả mới tuổi thanh xuân là một học sinh trường Khải Định ở Huế đã viết trong năm 1949 : bài Trăng Mờ Bên Suối của Lê Mộng Nguyên, đặng hồi tưởng một mối tình đau khổ giữa hai đứa trẻ yêu nhau trong thời khói lửa trong những năm 1945-1950 ở Việt Nam… Với linh tính sẽ phải biệt ly một ngày rất gần (chính phủ Quốc gia miền Nam sắp ban hành tổng động viên), hai người trai gái hẹn gặp gỡ một lần cuối cùng bên bờ suối, dưới ánh trăng mờ của một đêm thu trong rừng thẳm… đặng thề nguyện trung thành với nhau cho đến ngày tận thế…

Ai hay chia lìa
Sương gió biên thùy
Hiu hắt người đi sa trường xa…
Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo
Giờ đây cách xa người quên hay nhớ ?
Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ

Bài TMBS được nổi tiếng rất mau lẹ, không chỉ vì tính cách lãng mạn của tình cảm qua lời ca mà còn nhờ cái tiên đoán và linh quang của tác giả về một ngày mai không có ngày mai… Cũng vì thế mà từ ngày được trình bày trên làn sóng điện của Đài Phát thanh Pháp Á vào khoảng tháng 11-1949, TMBS tự sống một cuộc đời danh vọng tại đất nước Việt xa xôi trong thập niên 1950, vắng bóng tác giả đang sống kiếp lưu vong ở xứ người, và tiếp tục ngạc nhiên cho đến hôm nay trước sự thành công vẻ vang của TMBS mà chỉ riêng quí đồng hương mới biết ý nghĩa sâu xa. Cách đây không lâu, trong Tuần Báo Việt Nam (ngày 06 th.08-2004), nhà phê bình nổi tiếng, mà cũng là nhà văn và nhạc sĩ, Nguyễn Đình Toàn đã viết về bài ca bất hủ này, như sau :

« Một trong những bài hát có thể coi là điển hình một thời nhạc lãng mạn của chúng ta, được in trong tập sách Tuyển Tập 100 Ca Khúc Tiền Chiến (Nhà xuất bản Trẻ, Saigon 2001) là bài Trăng Mờ Bên Suối của Lê Mộng Nguyên. Nhớ lại những ngày chiến tranh lan tràn, sắp tới lúc hiệp định Genève được ký kết, cả đất nước dường lênh đênh chưa biết rồi sẽ trôi giạt về đâu, cũng là lúc người ta được nghe trên khắp các đài phát thanh Hà Nội, Huế, Pháp Á, Sài Gòn… bài Trăng Mờ Bên Suối qua giọng hát của hầu hết các danh ca của chúng ta thời bấy giờ : Tâm Vấn, Minh Đỗ, Ngọc Bảo, Minh Trang, Ngọc Hà, Minh Diệu, Mạnh Phát, Anh Ngọc vân vân…Nhạc như một nỗi khát khao tìm về một nơi yên ấm mà thực tế lúc nào cũng như đe dọa lấy mất. Cái chốn hạnh phúc có thể nương náu ấy dường như chỉ còn là, chỉ tồn tại trong mơ ước »…

Cũng vì thế mà từ dạo ấy, tình khúc TMBS đã sẩy tay tác giả để sống một cuộc đời riêng của kẻ chiến binh Đông Dương và Việt Nam, của đồng bào lánh nạn chế độ Cộng sản miền Bắc để vào miền Nam là đất nước tự do sau khi hiệp định Genève được ký kết năm 1954, của hàng trăm thuyền nhân Việt Nam từ chối Cộng sản, không chịu sống dưới một chế độ độc tài đảng trị sau tháng tư đen 1975, của quí đồng hương di cư và định cư trong các nước dân chủ tự do khắp năm Châu… Như vậy, từ thế hệ này qua thế hệ khác, bài ca huyền thoại đã để lại cho mỗi chúng ta một kỷ niệm, một kỷ niệm của thời thơ ấu, một kỷ niệm của thời thanh thiếu niên, một kỷ niệm của trường cao đẳng tiểu học hay trung học, một kỷ niệm của cuộc chiến đấu không ngừng cho Dân Chủ Tự Do và nhân dịp đã làm siêu quần một tình yêu lãng mạn trong thời khói lửa. Xin cảm ơn Quí vị.



LÊ MỘNG NGUYÊN

Paris (France)






Ý Kiến Đóng Góp



Thực hiện và kỹ thuật Website:

Lê Duy & Đan Thi



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com